Nuôi tôm trong bể xi măng mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng đã mang lại cho người nuôi hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình nuôi công nghệ cao, đạt tỷ lệ thành công đến 95%, đồng thời mở ra một hướng đi mới trong ngành nuôi tôm.
Điều kiện
Để thực hiện nuôi tôm trong bể xi măng cần phải đáp ứng những vấn đề sau đây: Cơ sở vật chất kỹ thuật phải được trang bị đầy đủ: Có hệ thống điện 3 pha và máy phát điện dự phòng, hệ thống quạt, ôxy đáy, hệ thống xi phông…; Nhân lực có trình độ quản lý cao, am hiểu kỹ thuật và có thiết bị đo đạc, để kiểm soát môi trường, mầm bệnh. Nguồn vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh chất lượng và được kiểm soát chặt chẽ.
Môi trường
Môi trường thích hợp nuôi tôm thẻ chân trắng: Nhiệt độ nước 20 – 300C; độ mặn 5 – 30 ‰, tốt nhất là 10 – 25 ‰; pH 7,5 – 8; ôxy hoà tan 4 mg/l, > 2 mg/l; độ trong 30 – 50 cm; màu nước xanh lục, xanh vỏ đậu hoặc mận chín. Cần có đủ nguồn nước mặn, cấp thoát nước thuận tiện.
Thiết kế hệ thống
Hệ thống nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng gồm 2 bể xi măng trong nhà có mái che kín diện tích 100 m2/bể, mực nước được duy trì khi nuôi là 1 m; Hệ thống ao nuôi cấp 2 gồm 4 ao nổi lót bạt hoàn toàn ngoài trời, trong đó, có 2 ao diện tích 500 m2/ao và 2 ao diện tích 1.000 m2/ao. Ngoài ra, trại nuôi tôm còn được trang bị 8 máy đẩy nước phối trộn với khí và 4 máy cho tôm ăn tự động.
Bể nuôi tôm được thiết kế rộng khoảng 25 – 40 m2, chiều cao hơn 1m; mật độ thả từ 220 – 250 con/m2. Với 1 bể nuôi 40 m2 sẽ thả khoảng 1.000 con tôm giống. Trong bể nuôi được lắp đặt máy sục khí, hệ thống cấp thoát nước ra ngoài riêng biệt. Trước khi thả giống tiến hành cấp nước khoảng 50 – 60 cm và sử dụng TCCA để khử trùng triệt để bể nuôi, 3 ngày sau tháo hết nước và sục rửa.
Chọn giống
Chọn tôm giống đồng đều, màu sắc đàn tôm tươi sáng, đồng nhất, sắc tố thể hiện rõ; Chọn mua tôm giống thả nuôi từ các cơ sở sản xuất uy tín và thương hiệu, có đàn tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định; phải kiểm tra một số loại bệnh đặc trưng như MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, hoại tử gan tụy… (có giấy kiểm dịch). Trước khi thả giống, cần tiến hành gây sốc để loại bỏ tôm yếu sau quá trình vận chuyển tôm giống về ao nuôi trước khi thả. Gây sốc bằng formol: thả 100 – 200 con tôm giống vào chén hoặc cốc thủy tinh đựng dung dịch formol nồng độ 100 ppm, theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ tôm chết dưới 5% là đạt yêu cầu.
Quy trình
Hiện nay người ta đã hoàn chỉnh hệ thống nuôi theo 2 giai đoạn, trong đó:
Giai đoạn 1: Từ lúc thả tôm đến khi tôm được khoảng 30 ngày tuổi được nuôi trong bể xi măng có mái che kín diện tích 100 m2/bể. Tôm được thả nuôi với mật độ 1.000 con/m2, khi tôm đạt kích cỡ 900 – 1.000 con/kg thì sẽ đưa sang giai đoạn 2.
Lưu ý, khi san tôm cần kiểm tra sức khỏe tôm kỹ càng, tôm khỏe mạnh, không đang trong chu kỳ lột xác, vỏ chắc khỏe, tôm không bị cong, đục thân khi nhấc sàng ăn lên… Nếu tôm yếu không nên san bằng thủ công như chài, kéo lưới… tốt nhất nên dưỡng tôm thêm vài ngày, bổ sung thêm khoáng, beta glucan, Vitamin C giúp tôm khỏe lên rồi mới tiến hành san tôm.
Giai đoạn 2: Tôm được 30 ngày tuổi sẽ được kéo để thả vào 4 ao nổi ngoài trời, trong đó có 2 ao diện tích 1.000 m2 và 2 ao diện tích 500 m2 cho đến khi thu hoạch. Tôm được nuôi với mật độ 60 con/m2, sau 65 – 70 ngày nuôi các ao đạt năng suất 1 tấn/1.000 m2 (10 tấn/ha), kích cỡ tôm khoảng 55 con/kg.
Cho ăn: Thức ăn được sử dụng đảm bảo chất lượng. Hàng ngày, theo dõi hoạt động ăn của tôm, khả năng bắt mồi, điều kiện môi trường để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, xử lý hóa chất, xi phông thay nước. Định kỳ bổ sung các khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Nguồn: Bích Hòa – Tạp chí Con Tôm